Can thiệp của dự án
Mong muốn của dự án là người dân được tiếp cận với các bản tin dự báo kịp thời, đã được phân vùng khí hậu tại địa phương với các khuyến cáo hành động cụ thể nhằm tăng tăng năng suất và/hoặc giảm thiệt hại trên cây lúa do tác động của biến đổi khí hậu và điều kiện thời tiết bất lợi, đồng thời thay đổi các thói quen sản xuất như sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo hướng hiệu quả hơn và thân thiện với môi trường hơn.
Để đạt được điều đó, dự án tăng cường năng lực về sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nhóm nông dân, các tổ chức cộng đồng và đối tác; cung cấp thông tin cho từng vùng khí hậu nông nghiệp cụ thể (thay vì thông tin chung chung cho toàn tỉnh); thúc đẩy sự trao đổi, học hỏi, chia sẻ thông tin giữa các nhóm nông dân và các tổ chức cộng đồng; và khuyến nghị các chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp dựa trên nghiên cứu và các mô hình thực tế.
Triển khai
Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam
Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm Thế giới (ICRAF)
Quỹ Phát triển Cộng đồng (FCD)
Nhà tài trợ
Chương trình nghiên cứu về Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và An ninh lương thực (CCAFS)
Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm Thế giới (ICRAF)
Địa bàn
Việt Nam, Campuchia và Lào
(Việt Nam: xã Pa Khoang và xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên – do CARE Quốc tế tại Việt Nam triển khai; và tại Hà Tĩnh do ICRAF triển khai)
Kết quả triển khai
Việc dự báo và khuyến cáo đã có nhiều thay đổi tich cực so với trước đây về tính cụ thể, chi tiết, độ tin cậy của nội dung dự báo. Ngoài ra, khuyến cáo cụ thể về các kỹ thuật và thời điểm gieo/cấy, làm đất, diệt trừ sâu bệnh… được xây dựng một cách chi tiết hơn cho từng tháng và tương ứng với các kịch bản khí hậu khác nhau.
Năng lực điều phối và hợp tác giữa các cơ quan ban ngành có liên quan bao gồm Đài khí tượng, Sở và Phòng Nông nghiệp và Trung tâm khuyến nông các cấp có những thay đổi rõ rệt theo hướng tăng cường trao đổi, tư vấn chuyên môn,…thường xuyên và hiệu quả hơn.
Cộng đồng áp dụng tốt hơn các thông tin dự báo và khuyến cáo vào quá trình canh tác. Thông qua các hoạt động phân phát, hướng dẫn và thảo luận với cộng đồng trước và sau mỗi bản tin, cộng đồng hiểu, đọc và áp dụng dễ dàng các khuyến cáo đưa ra trong các bản tin.
Người dân, đặc biệt là phụ nữ, đã tự tin hơn và chủ động tham gia đóng góp các ý kiến đánh giá, phản hồi về tính chính xác của dự báo, về mức độ dễ hiểu của ngôn ngữ sử dụng, cũng như tính thực tiễn và phù hợp của các khuyến cáo trên thực tế.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và diễn biến tình hình sâu bệnh trong vụ Đông Xuân 2017 có xu hướng giảm so với vụ Đông Xuân 2016. VD: trong nhóm VSLA, số hộ gia đình cho biết họ sử dụng thuốc BVTV trong vụ Đông Xuân 2017 ít hơn so với vụ Đông Xuân 2016 chiếm 43,3% trong khi tỷ lệ này chỉ là 11,1% trong nhóm các hộ gia đình thuộc thôn ngoài dự án và 36,0% trong nhóm các hộ gia đình thuộc các thôn dự án.
Việc sử dụng phân bón giảm rõ rệt, cụ thể, các hộ gia đình VSLA lại có xu hướng sử dụng ít phân bón hơn trong vụ Đông Xuân năm 2017 so với vụ Đông Xuân năm 2016.
Năng suất lúa tăng nhiều nhất trong các hộ gia đình thuộc nhóm VSLA so với hai nhóm còn lại.
Nhóm VSLA: Lúa vụ Đông Xuân 2017 tăng 0,91 tấn/ha so với 2016
Thôn dự án: Lúa vụ Đông Xuân 2017 tăng 0,78 tấn/ha so với 2016
Thôn ngoài dự án: Lúa vụ Đông Xuân 2017 tăng 0,23 tấn/ha so với 2016
Đối với Ủy Ban Nhân dân tỉnh
Tăng cường công tác điều phối giữa Đài Khí tượng và các Ban, Ngành liên quan. Phân bổ nguồn lực cho các Ban/Ngành liên quan để tăng cường tiếp cận các thông tin.
Đối với Đài Khí tượng Thủy văn Tỉnh Điện Biên
Tiếp tục nâng cao năng lực, đánh giá chất lượng dự báo để nâng cao hiệu quả dự báo, tăng cường kênh phản hồi với các bên liên quan để đảm bảo thông tin đưa ra đáp ứng nhu cầu người sử dụng.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Đảm bảo các thông tin dự báo khi về Sở được thông suốt và kịp thời đến các Phòng/ban liên quan (ví dụ: dự báo vụ).
Chủ động tham mưu với UBND Tỉnh về các nội dung đặc thù mà ngành cần để phục vụ công tác sản xuất, tham mưu đề xuất việc phân bổ ngân sách (nếu cần).
Đối với Hội Phụ nữ tỉnh Điện Biên
Nhân rộng nhóm “Cổ phần tài chính tự quản” trên toàn địa bàn, tạo kênh trao đổi, chia sẻ thông tin được thuận lợi.
Đối với Đài truyền hình Tỉnh Điện Biên
Phối hợp với Đài khí tượng và Sở Nông nghiệp trong việc cung cấp các thông tin dự báo thời tiết, khí hậu và khuyến cáo nông nghiệp dựa trên thông tin dự báo
Đối với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ Thực vật cấp Huyện
Tập trung nâng cao năng lực cho toàn bộ cán bộ về ứng dụng thông tin thời tiết, khí hậu trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truyền tải thông tin với bà con.
Đối với Ủy ban Nhân dân xã Mường Phăng và Pá Khoang
Chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động dự án và gắn hoạt động dự án với hoạt động cung cấp thông tin lịch thời vụ, khuyến cáo nông nghiệp của UBND xã.